Sơ lược Lịch sử Y học Cổ truyền Việt Nam (1945 đến nay)


Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, một kỷ nguyên độc lập tự do. Nhưng bọn thực dân xâm lược Pháp và bọn đế quốc Mỹ tiếp tục xâm lược nước ta, trong điều kiện vừa kháng chiến chống xâm lược vừa xây dựng đất nước, nền y tế Việt Nam trải qua 2 thời kỳ:

1.1. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954)

Đảng và Chính phủ đã động viên các thầy thuốc, lương y, dược sĩ và các nhân viên y tế tham gia kháng chiến cứu nước, bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân ta.

Để giải quyết vấn đề thiếu thuốc do địch phong tỏa, việc tìm kiếm và thay thế thuốc bằng nguồn dược liệu trong nước phát triển, nhất là ở Nam Bộ, đã sớm đề ra việc sử dụng thuốc Nam, châm cứu, điển hình là phương pháp chữa bệnh bằng toa căn bản.

1.2. Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống xâm lược Mỹ trong cả nước và thống nhất nước nhà (1954 – đến nay)

Hồ Chủ Tịch là người hơn ai hết quan tâm đến vấn đề kết hợp nền y học hiện đại với nền y học cổ truyền của dân tộc để xây dựng nền y học Việt Nam. Trong bức thư gửi cho Hội nghị ngành y ngày 27/2/1955, người viết: “Trong những năm bị nô lệ, thì y học của ta cũng như các ngành khác bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Y học cũng phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng.” Cũng trong thư, người viết chỉ rõ: “Ông cha ta trước đây có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú nên chú trọng vào nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây.”

Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/3/1961 vạch rõ toàn bộ phương hướng chủ trương kết hợp Đông, Tây y của Đảng và Chính phủ như: “Phối hợp chặt chẽ Đông và Tây y trong công tác y tế trên các mặt phòng bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc men, đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học” (Trích văn kiện Đại hội lần thứ III) và “Trên cơ sở khoa học, thừa kế và phát huy những kinh nghiệm tốt của Đông y, kết hợp Đông y và Tây y nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân, tiến lên xây dựng một nền y học Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (Trích Chỉ thị 101/TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ra Chỉ thị 21/CP ngày 19-2-1967 về vấn đề kết hợp Đông Tây y và Chỉ thị 210/TTg ngày 6-12-1996 về công tác dược liệu. Nghị quyết 226/CP về kế thừa phát huy… kết hợp và 30-8-1999 Chính phủ đã ra Chỉ thị 25/CP.

Bộ Y tế cũng ra nhiều thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 20 năm, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tích xây dựng nền y học Việt Nam, kết hợp y học cổ truyền của dân tộc trên nhiều mặt: quan điểm xây dựng ngành, tổ chức, đào tạo, nghiên cứu y học về chữa bệnh và thuốc, biên soạn tài liệu phổ biến xây dựng ngành y tế (1973 – 1976).

a) Về tổ chức:

Đã thành lập một mạng lưới y tế nhà nước và y tế nhân dân từ trung ương đến cơ sở. Trong đó có các khoa, các bộ phận chuyên chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền đặc biệt ở các tuyến cơ sở như xã, đại đội, xí nghiệp, v.v.. thành lập Viện Y học cổ truyền Việt Nam có nhiệm vụ thừa kế, nghiên cứu, nâng cao, phát huy và phổ biến những phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền, thành lập Hội Y học cổ truyền Việt Nam tổ chức từ trung ương đến địa phương để động viên, đoàn kết các vị lương y, tham gia cống hiến tài năng và kinh nghiệm và chữa bệnh để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước, thành lập các bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, thành phố, các khoa y học cổ truyền ở các bệnh viện tỉnh, v.v.. là các trung tâm nghiên cứu và chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền ở địa phương, v.v..

b) Về đào tạo và huấn luyện:

Đã đưa môn học y học cổ truyền thành môn chính khóa tại các trường y và gần đây thành lập 2 khoa y học cổ truyền của ngành; thành lập các bộ môn Y học cổ truyền chuyên giảng dạy môn dược học cổ truyền tại các cơ sở đào tạo.

Đào tạo được bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền trình độ đại học và sau đại học: mở các lớp huấn luyện tại Viện y học cổ truyền và các điểm cho hàng nghìn y, bác sĩ, dược sĩ biết và thực hành các phương pháp chữa bệnh, đặc biệt làm thuốc Nam và châm cứu.

c) Về nghiên cứu y học, dược học, phổ cập các phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền:

Đã bước đầu nghiên cứu về lịch sử nền y học cổ truyền của dân tộc, thu thập có trước tác y học, sưu tầm 562 bộ sách thuốc. Sát hiện được 157 vị danh y có trước tác y học.

Đã tổng kết bằng các phương pháp y học cổ truyền việc chữa có hiệu quả các bệnh thông thường hay gặp trong nhân dân và một số bệnh khó chữa, mạn tính như hen phế quản, bệnh về khớp, bệnh tắc động mạch, vết thương phần mềm nhiễm trùng, gãy xương, v.v…

Đã nghiên cứu xác định theo phân loại khoa học tác dụng dược lý, thành phần hoá học của nhiều vị thuốc xưa nay phải nhập, v.v.. chứng minh rằng nước ta có nhiều khả năng trồng trọt, khai thác nguyên liệu dược liệu phong phú phục vụ cho chữa bệnh và xuất khẩu.

d) Về phổ biến y học:

Đã đưa môn châm cứu, thuốc cổ truyền từ chỗ không đáng kể, thành môn chữa bệnh phổ biến ở các cơ sở chữa bệnh.

e) Về xuất bản và báo chí:

Đã xuất bản Tạp chí y học cổ truyền, phổ cập châm cứu và thuốc Nam, các kinh nghiệm chữa bệnh bằng các phương pháp khác của y học cổ truyền trên các báo chí của ngành: Tạp chí y học, Báo sức khoẻ, Tạp chí y học thực hành, Bản tin y học cổ truyền, v.v…

Biên soạn và xuất bản các tác phẩm kinh điển như Nam dược thần hiệu (Tuệ Tĩnh), các tập trong bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh (Hải Thượng Lãn Ông), Thuốc Nam châm cứu, Bài giảng y học cổ truyền, 450 cây thuốc Nam, Khí công, xoa bóp, Phương pháp dưỡng sinh, Dược điển Việt Nam, hiện nay đã có 40 đầu sách về y học cổ truyền được sử dụng.

Đã biên dịch tài liệu về thành tựu của nền y học cổ truyền Trung Quốc:

Trung y khái luận, các bài giảng về nội khoa, phụ khoa, châm cứu, v.v…

f) Về công tác sản xuất dược liệu:

Trên cơ sở của công tác nghiên cứu- khoa học, đã tổ chức thu hái và trồng trọt sản xuất dược liệu, cải tiến dạng bào chế theo phương pháp công nghiệp, nên đã đảm bảo một phần cho nhu cầu chữa bệnh và xuất khẩu.

Tuy nhiên những thành tích đạt được trên đây mới chỉ là những kết quả về các mặt tổ chức, tư tưởng, chính sách- nghiên cứu y học và công tác chữa bệnh quả bước đầu trong việc xây dựng nền y tế Việt Nam, còn khá nhiều tồn tại và hạn chế. Những tồn tại này là một điều đáng tiếc trong lúc nhu cầu phục hồi sức khoẻ của nhân dân càng lúc càng đòi hỏi rất lớn, trong lúc nền kinh tế của ta đang khái sác và hoà nhập sau hơn 30 năm chiến tranh.

i) Kết luận:

Năm 1976 là năm thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm kết thúc bằng Đại hội đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IV, mở đầu kỷ nguyên tốt đẹp nhất trong lịch sử dân tộc: cả nước thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì tương lai giàu mạnh của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đại hội Đảng IV lại một nửa khẳng định phải: “Kết hợp chặt chẽ y học hiện đại với y học cổ truyền của dân tộc xây dựng nền y học Việt Nam. Mỗi một người cán bộ y tế cần thấy rõ dân tộc ta có một nền y học lâu đời không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, bao gồm từ lý luận, thuốc và các phương thuốc chữa bệnh vô cùng phong phú.

Nền y học cổ truyền gồm những kinh nghiệm chữa bệnh của ông ta với nguồn dược liệu phong phú kết hợp với kinh nghiệm chữa bệnh của nền y học cổ truyền của nhân dân các nước láng giềng (như Campuchia, Lào, Trung Quốc) được áp dụng sáng tạo vào điều kiện thiên nhiên, sức khoẻ, bệnh tật của nhân dân, đất nước ta.

Nền y học hiện đại là nền y học tiên tiến, là kết tinh của những thành tựu khoa học kỹ thuật của thời đại, là kinh nghiệm phong phú của nền y học các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân các nước có nền kinh tế phát triển.